Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Làm sao để ngăn chặn bệnh vô cảm?

(VOH) - Một câu hỏi lớn mà chúng tôi đặt ra trong phần 1 của loạt bài "Vô cảm - căn bệnh thời hiện đại" - đó là làm thế nào để bệnh vô cảm không lây lan nhanh và mỗi người phải làm sao để có thể biết cách phòng tránh. Để làm sáng tỏ vấn đề này thì chúng tôi đã mời Giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Thạc sĩ tâm lý Mã Ngọc Thể cùng tham gia cuộc tọa đàm ngắn sau đây.
Phần 1: Báo động lây lan virus vô cảm 



Hiệp sĩ Sài Gòn - Minh Tiến khống chế tên trộm (ảnh Vnexpress)
Trước tiên thì xin được cảm ơn 2 vị diễn giả đã nhận lời tham gia chương trình. Xin được đặt ngay một câu hỏi đến với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Thưa giáo sư, qua phóng sự mà chúng tôi đã thực hiện thì rõ ràng virus vô cảm đang có dấu hiệu lây lan nhanh và điều này sẽ bào mòn đi niềm tin cũng như những phần tốt đẹp trong con người. Là một nhà giáo và cũng là nhà nghiên cứu, ông nghĩ gì về hiện tượng này? 
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Những hiện tượng đó như chị nói thật sự đáng lo ngại, nó đi ngược với truyền thống của người Việt Nam, thấy người áo rách thì thương, thấy người hoạn nạn thì phải giúp đỡ, thấy người già qua đường thì phải cầm tay dắt qua đường. Bây giờ kinh tế thị trường người ta hiểu sai, người ta chỉ nhấn mạnh đến mặt phải của kinh tế thị trường mà quên đi mặt trái, coi trọng đồng tiền, ai cũng chỉ lo thân mình, làm sao mình đủ sống, mình giàu có, cái đó tôi gọi là vô cảm, những hiện tượng như cướp giật, mọi người có thể giúp công an bắt được ngay nhưng họ sợ, ngay như trên xe buýt thấy móc túi nhưng họ chẳng dám làm gì. Tôi thấy có 2 nguyên nhân, thứ nhất là suy thoái về đạo đức, thứ hai là kỷ cương của pháp luật chưa được thực hiện nghiêm, do đó người ta sợ liên lụy đến bản thân mình. 
Xin cảm ơn giáo sư, dưới góc độ tâm lý thì thạc sĩ Mã Ngọc Thể nghĩ sao về hiện tượng vô cảm?
Thạc sĩ Mã Ngọc Thể: Dưới góc độ tâm lý thì có thế thấy là cuộc sống hiện nay có nhiều vấn đề như: công việc khiến cho người ta luôn luôn phải hoạt động, vận động, có những người có suy nghĩ là không phải việc của họ cho nên họ không quan tâm đó là trách nhiệm của mình, họ đùn đẩy và nghĩ rằng nếu họ không làm thì cũng sẽ có người khác làm.
Vâng như giáo sư Nguyễn Lân Dũng và thạc sĩ Mã Ngọc Thể đã phân tích thì sự vô cảm của con người là do hiện thực cuộc sống tạo thành, tuy nhiên những bài học về đạo đức, tình yêu nước thương nòi, lá lành đùm lá rách chúng ta đã được học từ những ngày thơ bé trong nhà trường và cả trong gia đình và ngoài xã hội nữa nhưng rõ ràng là thái độ vô cảm cho thấy rằng những bài học này dường như không có tác dụng trong đời sống thực. Hiện đang giảng dạy ở một số trường ĐH, ý kiến của thạc sĩ Mã Ngọc Thể như thế nào? 
Thạc sĩ Mã Ngọc Thể: Thực ra trong nhà trường thì những bài học nêu cao tinh thần đạo đức giáo dục nhân cách của con người thì luôn được nêu cao, và giáo dục thường xuyên đối với người học, tuy nhiên để những lý thuyết, những bài học đó mang tính thực tiễn thì đó là cả một vấn đề đặt ra hiện nay. Để người học thực hiện những bài học đó thì còn hạn chế rất là nhiều, học sinh cũng có nhu cầu mong muốn được thực hiện điều đấy, xã hội bên ngoài còn có những điều chồng chéo lên nhau, những cái mang tính chất pháp luật, quy định không được cụ thể rõ ràng dẫn đến họ e ngại, nếu như họ tham gia vào thì sẽ có nhiều phiền phức đến cuộc sống của họ. Chẳng hạn như họ giúp đỡ một người bị tai nạn giao thông sau đó gặp phải nhiều yếu tố phiền hà như cơ quan công an đến lấy lời tường trình, không phải một lần mà rất nhiều lần, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của họ. 
Vâng tôi còn nhớ một câu chuyện rất cảm động gần đây khiến nhiều người rơi nước mắt đó là hình ảnh của bạn học sinh Nguyễn Văn Nam học sinh lớp 12T7 trường THPT Đô Lương 1 đã liều mình lao xuống dòng sông Lam đang chảy xiết để cứu 5 em nhỏ khỏi chết đuối nhưng bản thân em thì lại thiệt mạng. Những tấm gương như thế này đã phần nào làm tan chảy những tảng băng thờ ơ trong lòng mọi người. Thạc sĩ Mã Ngọc Thể nghĩ gì về những tấm gương này trong câu chuyện vô cảm mà chúng ta đang cùng trao đổi?
Thạc sĩ Mã Ngọc Thể:
 Những tấm gương người tốt việc tốt là một cái việc cần thiết phải luôn luôn đề cập đến, đó là những trải nghiệm tình huống của cuộc sống, nó lập đi lập lại thì có thể sẽ có tác động đến những người khác và họ sẽ thay đổi suy nghĩ và dẫn đến thay đổi cả hành động của mình. 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã nhắc đến sự dũng cảm sẽ đánh tan sự vô cảm, tuy nhiên, theo ông làm thế nào để hình thành nên sự dũng cảm trong mỗi con người?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng : Đó là kết quả của sự giáo dục của cha mẹ, học đường, sự giáo dục đó mới tạo nên được đức tính tốt, tránh ra khỏi cái giáo dục thì cái xấu của con người sẽ bộc lộ, người ta hay nói đùa là con và người, phần con là tính xấu, người là danh từ đẹp đẽ nhất của thế giới dành cho động vật có trí tuệ, có khả năng suy nghĩ lương tâm cao. Vì vậy phải coi trọng giáo dục, gia đình mà có nề nếp thì tôi tin chắc rằng không có trẻ em phạm tội. 
Đại văn hào Maxim Gorki đã từng nói nơi lạnh giá nhất trên thế giới không phải ở Bắc Cực mà là ở nơi thiếu tình thương. Tình cảm chính là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người, là nền tảng để xây dựng những chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Đừng tự đóng băng thế giới tâm hồn và cảm xúc của mình để hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn, không còn sự vô cảm đó chính là thông điệp mà các diễn giả gửi gắm đến tất cả mọi người. Một lần nữa xin được cảm ơn giáo sư Nguyễn Lân Dũng và thạc sĩ tâm lý Mã Ngọc Thể.  

Thanh Xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét