Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Làm gì khi con có năng khiếu?

(chuyêngiatâmlý.vn) Chúng ta vẫn thường nói đến năng khiếu của một người nào đó như một đặc ân do Trời ban. Thật tuyệt vời khi bỗng dưng một ngày nọ bạn phát hiện ra con mình có một hay một vài “tài lẻ” mà nhiều đứa trẻ khác mơ ước!

Nhưng đôi khi bạn lại không biết nên làm cách nào để bồi dưỡng, duy trì và phát triển năng khiếu đó của con?
Được phát sóng trên kênh VTC11, chương trình giao lưu trực tuyến “Bàn tròn Nhí” - Số 14 với chủ đề đặc sắc: Làm gì khi con có năng khiếu?” có sự tư vấn của hai chuyên gia: Ông Mã Ngọc Thể - GĐ Trung tâm tham vấn tâm lý Tân Trí Việt và bà Trần Thị Tuyết Mai – Cục Bảo vệ & chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã ít nhiều giúp các bậc phụ huynh giải tỏa nỗi băn khoăn trên.

Chương trình là sự phối hợp thành công giữa BBT Vương Quốc Nhí - Công ty Viễn thông không dây VTC và Đài THKTS VTC.

Vuongquocnhi.vn xin tường thuật lại nội dung buổi giao lưu trực tuyến:

* Câu hỏi 1:
(Được gửi từ địa chỉ email: pig.xinh85@gmail.com)

Khi biết con mình có năng khiếu về đàn, ca hay múa, hát thì các bậc phụ huynh nên làm gì đầu tiên? Việc đưa các con đi học các lớp bồi dưỡng ngay có phải là giải pháp tốt nhất không ạ?

- Bà Trần Thị Tuyết Mai:

Hiện nay có rất nhiều trung tâm mở ra những lớp năng khiếu. Tuy nhiên việc đầu tiên các bậc phụ huynh nên làm là trò chuyện, tâm sự với con để tạo hứng thú cho con và xem con mình bộc lộ năng khiếu như thế nào chứ đừng vội tìm ngay đến những trung tâm, nhà văn hóa, cung thiếu nhi hay những nhà hướng dẫn để cho con theo học.

- Ông Mã Ngọc Thể:

Tôi rất đồng ý với chuyên gia Tuyết Mai. Tôi xin được bổ sung thêm là các bậc cha mẹ nên tìm hiểu kỹ thêm về các loại hình năng khiếu đó để từ đó hướng con đến học những lớp bồi dưỡng năng khiếu phù hợp với tố chất mà con bộc lộ ra.

* Câu hỏi 2: (Được gửi từ một khán giả ở số điện thoại: 0989. 898. 188)

Trong một gia đình có bố và mẹ đều có năng khiếu mà con chưa bộc lộ năng khiếu thì có nên đưa các cháu đến các lớp học bồi dưỡng năng khiếu để các cháu bộc lộ ra hay không ạ?

- Ông Mã Ngọc Thể:

Các lớp bồi dưỡng năng khiếu đó cũng là nơi để các cháu học cách học, cách sáng tạo. Môi trường này có thể giúp các cháu bộc lộ và phát triển năng khiếu tốt hơn.

- Bà Trần Thị Tuyết Mai:

Với những gia đình có cả bố và mẹ đều là những người có năng khiếu mà đến tuổi vẫn chưa thấy con mình bộc lộ năng khiếu ra thì thường rất sốt ruột và luôn nghĩ cách xem phải làm thế nào để năng khiếu của con bộc lộ ra.

Tôi nghĩ các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng vì năng khiếu của trẻ bộc lộ ở từng lứa tuổi khác nhau và việc đó cũng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Cho nên, việc trẻ có thực sự hứng thú với việc đó hay không thì cha mẹ cũng nên xem xét để con mình bộc lộ năng khiếu một cách rõ ràng ở từng thời điểm.

* Câu hỏi 3: (Được gửi từ địa chỉ email: pinkrosegarden9393@gmail.com)

Hiện nay có rất nhiều lớp mở ra các chương trình, các cuộc thi về năng khiếu hay về tài năng. Vậy cha mẹ có nên cho các cháu tham gia các cuộc thi này hay không? Khi cháu có năng khiếu thì điều đó sẽ giúp các cháu thể hiện được năng khiếu của mình hay không ạ?

- Bà Trần Thị Tuyết Mai:

Việc tổ chức các cuộc thi năng khiếu giúp trẻ tự tin lên rất nhiều và cũng giúp đánh giá năng lực của trẻ, xem trẻ có thực sự đam mê với năng khiếu đó hay không.

Tuy nhiên, tôi thấy hiện nay có nhiều gia đình tạo cho trẻ một áp lực rất lớn và điều này làm ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ, làm cho trẻ cảm thấy bị áp lực hay lo sợ.

Tôi hy vọng rằng các bậc cha mẹ hãy để trẻ phát triển năng khiếu một cách tự nhiên chứ đừng nên tạo cho trẻ bất kỳ một áp lực nào cả.

- Ông Mã Ngọc Thể:

Các bậc phụ huynh không nên tạo áp lực phải làm thật tốt, thật thành công và giành được một kết quả nào đó quá sức của các cháu mà hãy tạo động lực để các cháu phát triển năng lực, khả năng có sẵn của bản thân.


* Câu hỏi 4: (Được gửi từ một khán giả ở số điện thoại: 0946. 861. 139)

Thưa chuyên gia, con tôi năm nay được 5 tuổi rồi. Cháu hát rất hay, ở lớp hay được các cô giáo khen ngợi và về nhà cháu cũng hay hát cho mọi người trong gia đình nghe. Gia đình tôi ai cũng vui và tự hào, nhưng cháu là con trai, tôi cũng muốn cho cháu đi học một lớp bồi dưỡng do nhà trường tổ chức nhưng gia đình phản đối vì sợ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của cháu. Chuyên gia có thể cho tôi lời khuyên được không ạ? Xin cảm ơn chuyên gia!

- Ông Mã Ngọc Thể:

Điều tốt nhất là gia đình nên tạo cho cháu điều kiện để bộc lộ và phát triển năng khiếu trong lớp ca hát đó. Trong quá trình cháu học, gia đình cũng có thể đánh giá xem cháu có phù hợp với việc ca hát hay không và nếu cháu không phù hợp thì gia đình có thể thay đổi hoặc tìm cho cháu hướng phù hợp nhất với bản thân cháu.

Việc phát triển của cháu trong tương lai là cả một quá trình chứ không phải chỉ dừng lại ở độ tuổi bây giờ.

* Câu hỏi 5: (Câu hỏi của khán giả gửi đếm từ SMS đến đầu số: 8530)

Cháu nhà tôi rất thông minh và nhanh nhẹn. Cháu rất hay mày mò đồ đạc và phá tung mọi thứ để khám phá bên trong và sau đó lắp lại được như cũ. Mặc dù tôi rất bực mình nhưng cũng nghĩ đó là một năng khiếu. Như vậy có đúng hay không ạ?

- Bà Trần Thị Tuyết Mai:

Trẻ từ 3 – 7 tuổi thường có nhu cầu khám phá thế giới. Có rất nhiều trẻ làm cái việc mày mò đồ đạc và sau đó tháo tung, phá tung mọi thứ ra, nhất là các bé trai.

Để đánh giá xem trẻ có năng khiếu về kỹ thuật hay không thì bố mẹ cần theo dõi thêm và nói chuyện với trẻ, khuyến khích và tạo cho trẻ những bài tập khó hơn hay cho trẻ chơi những trò chơi khó hơn, xem trẻ có thể làm được hay không. Từ đó, bố mẹ mới có hướng phù hợp để bồi dưỡng năng khiếu cho con.

* Câu hỏi 6: (Được gửi từ một khán giả ở số điện thoại: 0988. 639. 957)

Tôi và vợ đều là những người có khả năng về vẽ và âm nhạc, con tôi bây giờ đã 4 tuổi rồi. Liệu tôi có thể cho con đi học các lớp bồi dưỡng năng khiếu không? Hiện giờ tôi vẫn chưa thấy cháu có hứng thú gì về âm nhạc màu sắc giống như vợ chồng tôi. Xin cảm ơn chuyên gia!

- Ông Mã Ngọc Thể:

Cha mẹ lo lắng quá vô tình sẽ tự tạo áp lực cho mình, từ đó dễ hình thành nên những ý kiến, đánh giá chủ quan về sự phát triển năng khiếu của trẻ.

Để trẻ thực sự phát triển năng lực của mình, cha mẹ nên trò chuyện, chia sẻ với con, tạo ra môi trường tốt xung quanh cháu để cháu được khám phá thế giới. Những điều kiện đó càng được mở rộng thì trẻ càng có cơ hội phát huy những tố chất bẩm sinh từ cha mẹ truyền sang.

* Câu hỏi 7: (Được gửi từ một khán giả có địa chỉ email: tranlinh301@yahoo.com)

Thưa chuyên gia, liệu cháu không có năng khiếu mà cho đi học lớp bồi dưỡng thì cháu sẽ có khả năng hay không ạ?

- Bà Trần Thị Tuyết Mai:

Đây là một nhận thức chưa phù hợp lắm bởi thực tế thì cha mẹ cần tìm hiểu thật kỹ xem hứng thú thực sự của con mình là như thế nào. Từ việc trẻ có hứng thú đó sẽ kích thích, nảy sinh những hứng thú khác, nhờ đó cha mẹ có thể phát hiện thêm những năng khiếu mới của con mình.

Vuongquocnhi.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét