Bé Tuấn hồn nhiên trước cửa hàng đồ chơi. Ảnh: Tuấn Vương
|
Vỉa hè là… sân chơi
Chiều tối, trời Sài Gòn mưa lất phất. Tại góc đường Phùng Khắc Khoan-Điện Biên Phủ (đối diện công viên Lê Văn Tám, quận 1, TPHCM), một xe bán bột chiên (rán) với mấy cái chảo lớn, bếp gas đang đỏ lửa rừng rực. Quanh xe là hai người phụ nữ đã luống tuổi đang ra sức gắp những miếng bánh bột đã chiên vàng bỏ vào hộp cho khách. Đứng chiên bột là người đàn ông đang vã mồ hôi vì sức nóng từ lò, từ chảo chiên tỏa ra. Và chạy lăng xăng quấn lấy chân khách đang… xếp hàng chờ nhận bánh là một cậu bé mới 26 tháng tuổi. Nhiều khách, nhất là phụ nữ có con nhỏ trong khi chờ nhận bánh đã tranh thủ lấy điện thoại chụp hình cùng cậu bé. Khi tôi hỏi thăm mới biết, cậu bé có tên là Nguyễn Thanh Tuấn, chưa biết nói và chưa được đi nhà trẻ. Bà ngoại Tuấn là Nguyễn Thị Liên Hoa, đã 62 tuổi cho biết, bà cùng chồng là ông Nguyễn Quang Sắt (người đàn ông đứng chiên bột), quê ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) vào Sài Gòn làm nhiều nghề và đã bán bột chiên từ nhiều năm nay. Cái họ Nguyễn của bé Tuấn là do bà ngoại lấy theo họ của mình vì bà và con gái cũng không biết… họ của bố cháu Tuấn.
“Mẹ cháu là con út trong gia đình tôi, trên nó còn hai người anh trai nữa. Khi con gái tôi yêu ba Tuấn thì cả hai bên gia đình đều không đồng ý cho tụi nó lấy nhau. Nhưng tụi nó vẫn lén lút ở với nhau và có con. Khi con gái tôi sinh cháu Tuấn thì không hiểu sao cả ba nó và bên nội đều không nhận Tuấn là con, là cháu. Thôi, con dại cái mang, nên tôi đưa con gái và cháu ngoại về nhà nuôi. Tôi biết ba thằng Tuấn đang làm ăn gì đó ở đất Sài Gòn này nhưng tới nay vẫn chưa về nhìn mặt con và cũng không liên lạc được. Còn mẹ Tuấn, nuôi nó đến lúc 15 tháng tuổi cũng bỏ nhà đi đâu không biết, đến nay vẫn biệt tăm, biệt tích”, bà Hoa cho biết.
Vợ chồng bà Hoa và cháu Tuấn đang ở nhà thuê tại khu Đa Kao, trên đường Nguyễn Phi Khanh, quận 1, cũng gần chỗ bà bán bột chiên lề đường. Nhà chỉ có hai ông bà, đã lớn tuổi nên dù “tôi muốn cháu tôi lớn lên có ăn, có học đàng hoàng cho nên người” nhưng do không ai đưa đón, chăm bón nên từ lúc 18 tháng tuổi, “ban ngày nó ở với vợ chồng tôi, chiều khoảng 16h là theo ông, bà ngoại ra đây để chúng tôi tiện trông nom cháu”. Thế là bé Tuấn ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ cỡ tan tầm là lon ton theo ông, bà ngoại ra chơi ở… vỉa hè. Đến khoảng 11-12 giờ đêm, khi bán hết hàng, lại lẽo đẽo theo ông, bà trở về ngôi nhà nhỏ của mình.
Đi tìm tuổi thơ cho bé
Xe bán bột chiên của bà Hoa và ông Sắt chỉ có vài ba cái dù để che mưa cho cái bếp và… cho khách. Cũng may, sau xe bột chiên của ông, bà ngoại bé Tuấn là một cửa hàng… đồ chơi và thú nhồi bông thật lộng lẫy, bề thế ngay tại ngã ba này. Cứ mỗi lần trời mưa là các cô, các chị bán hàng ở đây lại cho bé Tuấn vào trong trú mưa và để… ngắm đồ chơi. Ra khỏi nhà từ 4h chiều, bà ngoại cũng cẩn thận pha cho bé Tuấn 2-3 bình sữa, để bé lót dạ thay cho bữa ăn chiều và xót lòng lúc khuya về.
Ngoài lúc quẩn quanh, tò mò với với bà ngoại thì “tổ ấm” của bé Tuấn chính là cái bậc thềm bước vào cửa hàng thú nhồi bông. Không biết tự bao giờ, nhiều người khách tốt bụng đã tặng bé nào là bánh, là sữa, đồ chơi… tất tật đều xếp vào một bên của cái cửa hàng này. Nhiều khách khi mua bánh bột chiên có chở con nhỏ theo, cũng đã bắt chuyện với bé Tuấn và cho con mình “giao lưu” với bé Tuấn. Nhưng do chưa nói được lại cộng thêm sự bẽn lẽn của tuổi thơ, bé Tuấn rất ít khi “nói chuyện với các bạn của mình”. Khi nào đói lòng, bé lại tìm trong cái giỏ mang theo của bà để gần đó, tìm chai sữa của mình và sảng khoái…bú. Đôi mắt cứ tò mò nhìn các vị khách qua lại, dừng chân mua bánh.
Với nhiều người, chứng kiến cảnh bé Tuấn chơi với tờ giấy, mụn vải, bao bì của các loại bánh… sau lưng bé là cửa hàng bán thú nhồi bông và đồ chơi lộng lẫy, thơm phức làm họ xót lòng. Càng xót hơn nữa bởi chỉ khi trời mưa, bé mới được vào trong cửa hàng trú mưa, được tung tăng trong khung cảnh ấm cúng, được ngắm, vuốt, sờ… những món đồ sang trọng. Để rồi, chỉ ít phút sau đó, bé lại ra vỉa hè, trở về thực tại với cái “cơ ngơi” đồ chơi ít ỏi của mình.
Theo Giadinh.net.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét