Nhõng nhẽo cũng còn tùy tuổi. Nếu cha mẹ không điều chỉnh, trẻ hình thành thói quen, lâu dần, mắc phải hội chứng “con vua”.
Hiện nay, nhiều đứa trẻ “con cưng” được cha mẹ dồn hết tâm trí, yêu chiều thái quá. Muốn gì được nấy dần trở thành phản xạ có điều kiện của trẻ. Những phản ứng này ngày càng kéo dài với tần suất tăng cao. Lâu dần, cha mẹ hốt hoảng vì ngỡ trẻ mắc các bệnh khác liên quan đến thần kinh như: rối loạn cảm xúc, nặng hơn là tăng động giảm chú ý.
Chị Nguyễn Thị Nhã (35 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM) đưa con gái 6 tuổi đi khám khắp các chuyên khoa thần kinh và tâm thần vì sợ con bị tăng động giảm chú ý hoặc bị rối loạn cảm xúc. Bác sĩ đo điện não, kiểm tra chức năng thần kinh, nhưng kết quả cho thấy đứa trẻ bình thường.
Muốn gì được nấy
Thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà (BV. Nhi Đồng 2) cho biết: “Tôi đã hỏi phụ huynh lý do vì sao chị ấy nghĩ con chị bị tăng động? Phụ huynh đã trả lời rằng mỗi khi không đáp ứng đòi hỏi của trẻ, con bé lăn đùng ra, đập đầu, ném đồ đạc vào mặt bố mẹ, rồi khóc dai dẳng. Nếu không phải tăng động cũng là rối loạn cảm xúc”.
Theo ThS. Thanh Hà, tăng động giảm chú ý là một dạng bệnh lý do hệ thần kinh chi phối. Khác với trẻ nhõng nhẽo, trẻ bị tăng động giảm chú ý không có nhu cầu. Trẻ mắc bệnh lý này có thể hoạt động liên tục, đòi hỏi liên tục hoặc đặt câu hỏi liên tục nhưng không có nhu cầu trả lời; người được hỏi có trả lời hay không cũng mặc kệ. Trẻ có thể “tấn công” cha mẹ bằng hàng loạt câu hỏi như: “Mẹ đi đâu vậy?”, “Mẹ mở cửa đi!”, “Mẹ cho con ăn cái này đi!”… Mặc dù, trẻ hoạt động liên tục nhưng lại không có nhu cầu khám phá, sáng tạo, tò mò trước một mô hình ô tô chẳng hạn.
Chuyên gia tâm lý tư vấn: “Nhõng nhẽo cũng còn tùy tuổi. Trẻ dưới 3 tuổi chưa biết cách quản lý cảm xúc, không phân biệt được cảm xúc tiêu cực và cảm xúc tích cực, nên nếu cha mẹ không bắt đầu đặt giới hạn cho trẻ, con muốn gì được nấy, lẽ tất nhiên, trẻ sẽ biết cách dùng “khóc” để tăng đòi hỏi của trẻ lên. Và nếu cha mẹ không điều chỉnh, trẻ hình thành thói quen, lâu dần, mắc phải hội chứng “con vua”.
Từ nhõng nhẽo trẻ sẽ vòi vĩnh, và từ vòi vĩnh trẻ sẽ học được cách “áp đặt” ra điều kiện với người lớn. Nhiều phụ huynh đưa trẻ đến tư vấn tâm lý cho biết: “Hiện tại, muốn trẻ nghe lời hoặc làm gì cũng khó. Trẻ biết cách ra điều kiện như: “Nếu mẹ không mua cho con xe đạp, con sẽ không đi học!”.
Từ nhõng nhẽo đến nhũng nhiễu cha mẹ
Còn trẻ trên 3 tuổi đã biết cách kiềm chế cảm xúc, có thể không khóc trước mặt người lạ, biết nhường nhịn khi không được như mong muốn, biết chia sẻ đồ chơi với bạn. Vì vậy, khi trẻ không thể kiểm soát cảm xúc, bộc lộ cảm xúc không đúng tình huống, có lẽ trẻ đã bắt đầu bị rối loạn cảm xúc và dường như không có ý thức. Rối loạn cảm xúc thường đi đôi với rối loạn hành vi. Nếu cảm xúc không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến hành vi tiêu cực ngay lập tức. Để cho trẻ nhõng nhẽo quá mức ở lứa tuổi còn nhỏ cũng có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc - hành vi khi trẻ lớn hơn.
ThS. Thanh Hà chia sẻ: “Tôi từng chứng kiến một chị trong suốt buổi họp bàn công việc với đối tác, phải liên tục trả lời điện thoại con gái 5 tuổi với một chủ đề duy nhất khi nào mẹ về mua đồ chơi cho con. Dễ dãi với con đã khiến trẻ không tôn trọng cha mẹ. Cần phải nhắc nhở con ngay từ lúc đầu, bây giờ cha hay mẹ đang làm việc, chuyện mua đồ chơi cho con tối về bàn tiếp. Không được dây dưa cho xong chuyện, trẻ sẽ tấn công bố mẹ bất kể mọi lúc mọi nơi. Người lớn cũng có những giới hạn mà trẻ cần tôn trọng, chứ không phải con muốn sao cũng được”.
Dạy con từ thuở lên 3
Những trường hợp hội chứng con vua này thật sự “khá khó khăn trong việc điều trị” vì cần điều chỉnh cả thói quen của gia đình. Trong khoảng thời gian tư vấn ngắn ngủi, các chuyên viên tư vấn không thể “đả thông” được cả hệ thống chăm sóc - giáo dục tồn tại như một thứ văn hóa. Nhiều trường hợp không quay lại khi được hẹn tái khám. Nhưng theo các chuyên gia tâm lý, độ tuổi “Mầm - Chồi - Lá” hoàn toàn biết tuân thủ các nội quy và chuẩn mực đạo đức. Vì vậy, cách dạy con duy nhất là cha mẹ thống nhất đặt ra cho con các giới hạn, giải thích, hướng dẫn con tuân thủ các nội quy trong gia đình và mở rộng ra ngoài xã hội như trường lớp, siêu thị. Nếu không có giới hạn, trẻ dễ bị xung động dẫn đến liên tục đòi hỏi, và thể hiện cảm xúc không phù hợp.
ThS. Hà khuyến cáo: “Nếu bạn không cho trẻ một giới hạn, không dạy trẻ cái nào được phép, cái nào không được phép, trẻ cứ thế mà tiến tới. Đừng để đến lúc trẻ hình thành phản xạ có điều kiện, cha mẹ lại cuống cuồng cho rằng trẻ có vấn đề về tăng động hay rối loạn cảm xúc.
Đừng cho trẻ xả láng hoặc cấm đoán hoàn toàn một cách thô bạo. Đối với trẻ, dân chủ là một chủ trương chưa thể áp dụng, mà cần phải áp dụng giáo dục. Trẻ vào lúc 3 tuổi, chưa biết đúng hay sai, nên phải được cha mẹ chỉ dạy. Rất nhiều hành vi nho nhỏ cần rèn giũa để hình thành tính cách lớn hơn. Đơn giản, cha mẹ cho nói con mới được nói, không được nói leo. Hoặc mẹ đang lau nhà, con phải ngồi trên ghế đợi nhà khô mới được xuống. Bên cạnh đó, việc đặt ra quy ước phải thống nhất, để tránh việc trẻ làm theo ý muốn của mình thành tự do ngang ngược”, ThS. Thanh Hà khuyến cáo.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét