Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Tan tổ ấm vì vợ giỏi hơn chồng

(Chuyêngiatâmlý.vn) Ô bình thường chồng kiếm nhiều tiền hơn vợ thì chả sao , mà vợ kiếm nhiều tiền hơn chồng là có chuyện nhi???



Ảnh: xinhxinh.com.vn.

Khách đến chơi tối có thể dễ dàng nhận ra căn hộ của chị Duyên được chia làm hai thế giới riêng biệt. Trong khi vợ ngồi trong buồng đọc tài liệu, dịch sách, soạn giáo án thì chồng chơi tú lơ khơ ăn tiền với đám bạn ở phòng khách bên ngoài.


Chị Duyên là giảng viên đại học ở Hà Nội, còn chồng chị, anh Hòa, lái xe taxi. Họ có một cậu con trai duy nhất. Chị Duyên cho biết, hai người thường cùng xem TV, trò chuyện hoặc đưa nhau đi chơi vào buổi tối trong những năm cậu con trai còn nhỏ và chị chưa học thạc sĩ.


Nhưng kể từ khi chị theo chương trình cao học và con lên cấp 2 thì những buổi nói chuyện thưa dần. Chị chẳng còn thời gian để xem TV hay đi chơi vì phải kèm con học và đến lớp. Ngôi nhà biến thành hai thế giới lúc nào không hay. Anh Hòa không hiểu những vấn đề công nghệ mà chị theo đuổi, còn chị cũng chỉ nói chuyện với anh khi cần bàn việc gia đình. Con có việc gì cũng chỉ hỏi mẹ, vì mẹ sẽ đưa ra những lời khuyên sâu sắc hơn. Lâu dần thành quen, nhiều lúc mẹ cũng muốn con ra hỏi bố để cho phải phép nhưng cậu con trai chỉ hỏi lấy lệ.

Đến khi cậu con trai học công nghệ thông tin tại một trường đại học thì hai mẹ con suốt ngày trao đổi chuyên môn với nhau. Anh chẳng hiểu gì nên không thể chen chân vào thế giới riêng của vợ và con. Cứ mỗi lần hai mẹ con nói chuyện về công nghệ anh lại bỏ đi hoặc gây sự. Thậm chí anh còn kéo cả đám bạn đồng nghiệp về nhà đánh tú lơ khơ cho bõ tức, hoặc nếu không cũng ra ngoài cùng bạn bù khú. Trong một lần con vắng nhà, anh đã đánh vợ vì chị phản đối anh đánh bài ăn tiền. Cậu con trai biết chuyện lập tức chỉ trích bố. Bực tức anh bèn thuê nhà sống riêng.


Hơn 20 năm trước chị Hảo và anh Khiêm cùng làm việc tại một công ty xây dựng giao thông ở Việt Trì. Chị là kế toán, còn anh lái xe ủi. Anh chị nên duyên nhờ sự vun đắp của các đồng nghiệp. Sau khi vô tình gây ra một tai nạn vào năm 1996, anh nghỉ việc ở nhà, còn chị tiếp tục học đại học tại chức rồi lý luận chính trị. Tới năm 2001 chị được đề bạt làm kế toán trưởng. Công việc khiến chị phải đi tới nhiều tỉnh để kiểm tra tình hình sổ sách của các đơn vị trực thuộc, nhưng cũng nhờ đó mà chị cảm thấy tiếng nói của mình có trọng lượng hơn.


Được tiếp xúc với nhiều người đàn ông tài giỏi, thành đạt trong những lần đi công tác, tập huấn ngắn hạn, chị Hảo không khỏi chạnh lòng khi nghĩ tới chồng. Công việc buộc chị phải cập nhật nhiều thông tin về chính trị, xã hội, công nghệ và nhiều lĩnh vực khác, trong khi anh hầu như chẳng quan tâm tới mấy thứ "cao siêu" đó. Ngoài hai bữa cơm anh chỉ thích uống rượu với mấy bạn nhậu trong khu phố và đánh đề. Cuối cùng chị Hảo phải lòng một người đàn ông thành đạt nhưng góa vợ. Anh Khiêm không chịu nổi nên ly hôn vào năm 2005 dù cả hai đã ở tuổi ngũ tuần.


Chung hoàn cảnh đó, chị Trâm và anh Cử lấy nhau sau khi anh vừa xuất ngũ rồi tới sống ở một huyện thuộc tỉnh Hòa Bình. Chị dạy cấp ba, còn anh nuôi ong. Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, chị chuyển công tác về thị xã để hai đứa con có điều kiện học hành tốt hơn. Tại đây chị xin cho anh vào làm bảo vệ trong trường. Kể từ đó cuộc sống của họ thay đổi. Chị phấn đấu hết mình trong công việc và trở thành một người quan trọng trong trường. Anh không muốn phụ thuộc vào vợ nhưng chẳng làm được gì hơn nghề bảo vệ nên sinh chán nản. Anh để vợ lo liệu mọi việc và tham gia vào nhậu nhẹt, bài bạc cùng đám thanh niên. Nói mãi không được, chị coi như không có anh trong nhà. Hai đứa con cũng không bằng lòng với bố và luôn ủng hộ mẹ. Mâu thuẫn gia đình lên tới đỉnh điểm vào năm 2006, khi anh thua bạc mất vài chục triệu. Chị Trâm bỏ mặc chồng đối phó với đám chủ nợ, còn anh Cử tìm mọi cách, thậm chí đánh đập, để lấy tiền trả nợ. Không muốn chịu đựng người chồng vũ phu, chị viết đơn ly hôn và anh đồng ý.


Theo chuyên gia tham vấn tâm lý Mã Ngọc Thể, Giám đốc Trung tâm tham vấn tâm lý Hoàng Nhân, các cặp vợ chồng chênh lệch nhau về học vấn rất dễ mâu thuẫn với nhau trong nhiều vấn đề: giáo dục con, kế hoạch chi tiêu, quan hệ xã giao, thậm chí cả trong quan hệ tình dục. Nhiều ông chồng có học vấn thấp thường cảm thấy ấm ức trước những ý kiến của vợ, đặc biệt là khi vợ tỏ ra áp đặt. Nếu người vợ hay nhắc đến khiếm khuyết về học vấn của chồng, họ sẽ nảy sinh tâm lý thiếu tự tin, bất cần. Khi đó họ sẽ không chịu chia sẻ các công việc gia đình với vợ. Nhiều trường hợp chồng tìm cách bạo hành vợ để “bù đắp” những khuyết thiếu của mình.


Trường hợp của anh Bằng và chị Cẩm ở Tuyên Quang là một ví dụ. Chị là cử nhân hóa học, còn anh chỉ có bằng trung cấp xây dựng. Không đánh giá cao năng lực của chồng, chị Cẩm luôn giành quyền quyết định trong phần lớn công việc gia đình, từ chuyện học hành của con cái tới xây dựng nhà cửa. Họ hàng nội ngoại và hai đứa con cũng luôn nghe lời chị trong mọi việc lớn nhỏ. Sau nhiều năm sống trong cảnh bị coi thường, lại nghi ngờ những mối quan hệ bên ngoài của vợ nên anh Bằng dần dần trở nên khó tính và bất cần. Anh thường kiếm cớ gây sự mỗi khi chị đi tập huấn ngắn hạn. Khi đứa con trai lớn hay trốn học và giao du với bạn xấu, anh cho rằng chị đi tập huấn triền miên nên không có thời gian dạy con, trong khi chị khẳng định con học kém vì thừa hưởng gene dốt của bố. Trong những trận cãi vã, chị luôn nhắc lại với các con rằng anh chẳng biết gì về xây dựng dù đã học trung cấp. Chán nản, anh ngoại tình với một phụ nữ khác. Ngay lập tức chị viết đơn ly dị.


Chuyên gia Phạm Thị Lan thuộc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn nhận định những người phụ nữ có học vấn cao hơn chồng luôn được cộng đồng tôn trọng hơn, có nhiều mối quan hệ rộng rãi trong giới trí thức khiến nhiều ông chồng cảm thấy không yên tâm. Nếu những ông chồng không có ý chí phấn đấu thì tâm lý coi thường bạn đời ở người vợ là khó tránh khỏi. Trong nhiều trường hợp, mâu thuẫn vẫn phát sinh dù người phụ nữ không tỏ ra hơn chồng về học vấn.


Theo bà Lan, nếu sống với người chồng có học vấn kém hơn, người vợ nên khéo léo để người bạn đời cảm thấy anh là trụ cột trong gia đình. Chẳng hạn, người vợ nên khuyến khích con hỏi ý kiến của bố, phân tích các hướng giải quyết một vấn đề rồi để chồng ra quyết định về phương án cuối cùng. Ngay cả khi được quyền chọn lựa giải pháp, người vợ vẫn nên làm thế nào đó để chồng cảm thấy anh là người có tiếng nói quyết định.

Minh Long
Theo: vnExpress

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét