Chị càng bủn rủn chân tay, mắt tối sầm lại khi đọc được những dòng chữ mà con gái viết trong nhật ký về cảm giác của lần đầu tiên quan hệ với bạn trai học trên 2 lớp. Cô bé cũng bày tỏ nỗi sợ hãi, lo lắng sau khi "trót dại" và nghĩ đến việc bố mẹ biết chuyện: "Mình cảm thấy tội lỗi và mất mát gì đó. Mình cũng không hiểu tại sao lại làm chuyện ấy. Sáng qua, mình đã uống thuốc rồi nhưng vẫn lo có bầu. Nếu có thai thật, nếu bố mẹ biết chuyện và chửi mắng, chắc mình sẽ chết mất".
Gọi điện cho chuyên gia tâm lý, giọng nói của chị vẫn không giấu được sự bàng hoàng, bối rối. Chị không thể tin mọi việc là sự thật. Con gái chị vốn chăm chỉ học hành, có ham chơi bời bao giờ đâu. Lâu nay, thấy con ít trò chuyện với bố mẹ hơn, nghĩ cháu mải học nên chị chẳng hỏi han gì. Bây giờ, chị không biết phải xử sự ra sao và khuyên bảo cháu thế nào.
"Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là khoảng cách về suy nghĩ, quan điểm về vấn đề tình dục và các biện pháp ngừa thai giữa hai thế hệ. Trong khi trẻ coi đó là quyết định cá nhân mà mình có quyền suy nghĩ và lựa chọn, không liên quan đến đạo đức thì người lớn lại hay cho việc đó là hư hỏng, xấu xa", bà Hà lý giải.
Theo bà, trong tình huống này, tốt nhất, bố mẹ hãy bình tĩnh và hỏi kỹ con xem lý do tại sao cháu có bao hay thuốc tránh thai rồi lắng nghe trẻ nói mà tránh phán xét. Nhiều khi, chuyện không đến nỗi nghiêm trọng như các bậc phụ huynh tưởng tượng và chính thái độ quá gay gắt, áp đặt lại khiến trẻ bị ức chế có thái độ chống đối.
Như trường hợp của Thanh, học sinh lớp 12 ở một trường tại Hà Nội chẳng hạn. Mấy hôm trước, đi học về, Thanh thấy bố mẹ ngồi đợi ở phòng khách với vẻ mặt rất nghiêm trọng. Mẹ em quẳng một chiếc bao cao su lên bàn và gằn giọng: "Tại sao lại có cái này trong cặp sách của con?" rồi chưa kịp nghe em giải thích, mẹ đã mắng té tát một hồi rồi ra lệnh cấm Thanh ra khỏi nhà 3 ngày liền. Những ngày sau đó, ngoài giờ học, Thanh không được ra khỏi nhà vì bất cứ lý do gì.
Tâm sự với một nhà tâm lý qua điện thoại, em bức xúc: "Đó là chiếc bao cao su đội tuyên truyền đưa cho em trong buổi nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản ở trường mấy hôm trước. Em tiện tay bỏ vào cặp, chưa kịp vứt đi thì mẹ vớ được, chứ có gì đâu. Hóa ra bố mẹ chẳng tin tưởng gì em, chỉ coi em là đứa trẻ, hư hỏng. Mà em đã lớn rồi, kể cả có chuyện đó đi nữa thì đã sao. Em cảm thấy mình bị xúc phạm".
Theo nhà tham vấn tâm lý Mã Ngọc Thể, Trung tâm tham vấn tâm lý Hoàng Nhân (phố Nguyễn Phúc Lai, Hà Nội), dù việc có bao cao su hay thuốc tránh thai trong túi là vô tình hay cố ý thì cũng cho thấy, trẻ đã có sự hiểu biết về phòng tránh thai cũng như phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, các em chưa có một tâm thế sẵn sàng để đối đầu với hậu quả của việc quan hệ tình dục ở lứa tuổi học đường. Hầu hết các emchưa được giáo dục về trách nhiệm của bản thân đối với những hành động do mình tạo ra.
Vì vậy, theo các nhà tâm lý, bố mẹ có thể biến tình huống trên thành một cơ hội để cùng trò chuyện với con về tình dục.
Tuy nhiên, thay vì giảng dạy cho con rằng không nên quan hệ trước hôn nhân, trước tiên các bậc phụ huynh nên lắng nghe quan điểm của trẻ về vấn đề này. Hãy để con có cảm giác tin cậy và thoải mái chía sẻ với bố mẹ về cách nghĩ của chúng trước chuyện quan hệ hay không và tại sao lại thế. Sau đó, bố mẹ có thể bày tỏ những suy nghĩ của bản thân về việc này, nói để con hiểu về ảnh hưởng của quan hệ tình dục khi chưa thực sự sẵn sàng về tâm lý, sức khỏe đến cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng. "Bạn hãy nói như một người bạn, để trẻ thấy chúng vẫn là người được đưa ra quyết định chứ không phải đang được lên lớp. Việc cấm đoán của bố mẹ càng gây tò mò, khiến con trở nên thụ động thôi", bà Hà nói.
Vương Linh
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi
Theo vnexpress.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét