Xung quanh nội dung sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ), vấn đề độ tuổi kết hôn đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Luật có nên “mềm hóa” đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong việc hạ độ tuổi kết hôn? Ảnh: Vĩnh Cát
|
Xung quanh nội dung sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ), vấn đề độ tuổi kết hôn đang có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng: Nên hạ độ tuổi kết hôn cho nữ xuống 16 tuổi và nam xuống 18 tuổi, nhưng cũng không ít chuyên gia tán thành việc giữ nguyên độ tuổi theo quy định hiện hành...
Điều 9 khoản 1 Luật HNGĐ năm 2000 quy định nữ đủ 18 tuổi trở lên và nam đủ 20 tuổi trở lên được phép kết hôn.
“Du di” cho miền núi
“Tôi hoàn toàn ủng hộ với việc hạ độ tuổi kết hôn cho nữ xuống 16 và nam xuống 18 tuổi”, Luật sư Dương Kim Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nói. Theo ông Sơn, thực tiễn Việt Nam hiện nay, độ tuổi kết hôn như quy định hiện hành không phù hợp với nhiều địa phương, vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi. Ở những vùng này, 14-15 tuổi các cháu đã về ở với nhau, sinh con đẻ cái. Nếu áp dụng một cách cứng nhắc thì vô hình trung sẽ tạo sự không ổn định về xã hội. Ngoài ra chúng ta nên tham khảo quy định của các nước trên thế giới. Một số nước cũng đã có quy định được kết hôn dưới 18 tuổi. Nếu chúng ta áp đặt chủ quan, thiếu thực tiễn thì rất dễ chính sách không được thực thi đúng hướng.
“Ở vùng sâu vùng xa, độ tuổi “dựng vợ gả chồng” rất sớm, trong khi ở thành thị con số này lại cao hơn, do đó chúng ta phải có con số dung hòa, mang tính đại diện và theo tôi, 16 tuổi là độ tuổi hợp lý”, ông Sơn nói.
Theo Luật sư Sơn, quy định hiện nay gây ra một số thiệt thòi cho người phụ nữ. Nếu sinh con khi hai người tảo hôn thì con cái họ sẽ không được đăng ký giấy khai sinh, không được đến trường. Trẻ sẽ đi học chậm so với các bạn cùng năm sinh. Đó là hậu quả xã hội mà chính đứa trẻ và bố mẹ chúng phải chịu. “Nếu theo quy định hiện hành, con cái họ cũng không có được quyền lợi, bản thân họ cũng không được đảm bảo quyền lợi, vì họ không được công nhận hôn nhân hợp pháp”, Luật sư Sơn nói.
“Luật nên “du di” hơn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số” – đó là ý kiến của BS. Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương. Ông cho rằng: Hiện nay, ở thành phố, độ tuổi quan hệ tình dục giảm nhưng tuổi kết hôn lại tăng lên. Trong khi đó, ở miền núi cao, vùng sâu, vùng xa, con số này lại thấp hơn. Thậm chí, 13-14 tuổi, đang đi học nhưng bố mẹ, làng bản lại bắt về lấy vợ lấy chồng, các cháu cũng đành phải tuân theo. Luật nên thay đổi theo hướng phù hợp hơn theo phong tục tập quán vùng miền.
Chất lượng giống nòi giảm
Về mặt sinh học, BS. Vũ Bá Quyết cho biết thêm: Khi mang thai và sinh con trước tuổi 18, cơ thể người mẹ chưa hoàn thiện, khung xương chậu, bộ phận sinh dục đang trong quá trình phát triển chưa ổn định. Nếu sinh con, nguy cơ đẻ khó, tai biến sản khoa sẽ tăng lên. Làm mẹ an toàn rất khó đảm bảo, nguy cơ bùng nổ dân số cũng là chuyện “đáng bàn”.
Việc tảo hôn, sinh con trước tuổi 18 khiến sức khỏe của mẹ và bé không đảm bảo, trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Hậu quả xa hơn là làm suy giảm chất lượng giống nòi.
BS.Nguyễn Thị Ngọc Lan
(Phó Vụ trưởng Vụ DS–KHHGĐ,
Tổng cục DS-KHHGĐ) |
Ở góc độ dân số, BS.Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ DS – KHHGĐ, Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng, việc tảo hôn, sinh con trước tuổi 18, ngoài việc sức khỏe của mẹ và bé không đảm bảo, trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Hậu quả xa hơn là làm suy giảm chất lượng giống nòi.
Đồng tình với việc không hạ độ tuổi kết hôn, Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật Hoàng Hưng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Luật HNGĐ năm 2000 là một luật rất văn minh. Việc Luật quy định độ tuổi kết hôn là 18 tuổi với nữ và 20 tuổi với nam là kết quả của việc nghiên cứu, điều tra tổng thể. Ở Việt Nam, 16-17 tuổi có thể người thành thị thì cao lớn, nhưng ở nông thôn hoặc ở vùng núi cao thì vẫn còn thấp bé. “Nếu luật sửa đổi, nên căn cứ vào tâm lý và tuổi sinh sản của con người. Làm thế nào để một đứa trẻ 16 tuổi có thể sinh ra một đứa con khỏe mạnh khi cơ thể mình còn bé tí, nói gì đến nuôi dạy con cái?”, Luật sư Hướng nói.
Việt Nam trước đây không có Luật HNGĐ, cũng không có quy định cụ thể, bài bản về độ tuổi kết hôn. Các cụ nói rằng: “Nữ thập tam, nam thập lục” – tức là gái 13, trai 16 có thể lấy nhau, sinh con đẻ cái. Nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi bé nhỏ của trẻ em Việt Nam thời đó rất cao, một phần cũng là do cha mẹ kết hôn quá sớm.
Ở góc độ tâm lý học, ông Mã Ngọc Thể – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tâm lý Tân Trí Việt cho rằng: Tuổi 16 vẫn nằm trong giai đoạn chưa phát triển hoàn thiện. Việc tiếp nhận khối lượng kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống của lứa tuổi này chưa đầy đủ, chưa xử lý được các vấn đề trong cuộc sống. Khi bước vào hôn nhân rất dễ có nguy cơ đổ vỡ.
Đời sống hiện đại, con người có thể phát triển về mặt tâm lý nhưng lại chưa theo kịp sự phát triển về mặt sinh học. Nếu hạ độ tuổi kết hôn, sẽ không chắc chắn đem lại một kết quả tốt. “Tôi đồng ý là tuổi dậy thì các em bây giờ thấp hơn nhưng nó không có ý nghĩa đánh dấu một sự trưởng thành, hoàn thiện về cả sinh lý lẫn tâm lý”, ông Mã Ngọc Thể nói.
Trong quá trình tư vấn tâm lý, theo ông Thể, cũng có những em mới 16-17 tuổi nhưng vẫn muốn về “góp gạo thổi cơm chung”, nhưng con số này chỉ rất ít. Trong khi đó, các bậc phụ huynh ngày nay luôn muốn con mình đi theo hướng: Học tập, nghề nghiệp ổn định rồi mới tính chuyện hôn nhân. “Các em có thể yêu sớm, quan hệ tình dục sớm, nhưng không có nghĩa là các em sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân và gia đình” – ông Thể cho biết thêm.
Thu Nguyên
báo GĐXH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét