Chán cuộc sống gia đình, bạn bè tẩy chay, yêu đơn phương không được đáp trả… đều có thể là nguyên nhân cho việc tự tìm đến cái chết của trẻ vị thành niên, thanh niên.
Nếu trẻ phát đi thông điệp tự tử mà không có sự can ngăn thì trẻ
càng có lý do để kết liễu đời mình
|
Năm bảy lẽ quyên sinh
Đầu tháng 9/2012, một nam thanh niên tuổi vừa 20 đã nhảy xuống sông Maspéro (tỉnh Sóc Trăng) tự kết liễu đời mình. Nguyên nhân được cho là "vì buồn chuyện gia đình".
Một vụ việc đau lòng khác, tại xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, một đôi bạn trẻ quyết định buộc tay nhau nhảy xuống sông tự vẫn dù chỉ một tháng nữa họ nên duyên vợ chồng. Lý do cho việc cùng nhau tìm đến cái chết này là bởi họ muốn mãi mãi bên nhau.
Số liệu của những nghiên cứu gần đây cho thấy, trên thế giới, tự tử là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến cái chết của phụ nữ nhóm tuổi 15-19. Mỗi năm, có đến 164.000 trường hợp tự tử của thanh thiếu niên tuổi dưới 25. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu tại Việt Nam, khi thanh niên từ 15 - 24 tuổi là nhóm tuổi có ý nghĩ tự tử cao nhất.
Lý giải về điều này, TS Nguyễn Thị Kim Quý, giảng viên Khoa Tâm lý (Đại học Sư phạm Hà Nội), cố vấn tâm lý cao cấp của Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 (Bộ LĐ,TB&XH) cho rằng: Tuổi vị thành niên, thanh niên khi gặp các vấn đề khúc mắc trong cuộc sống, do chưa có kinh nghiệm xử trí nên thường sử dụng một cơ chế phản ứng tự vệ tâm lý, đó là "tự xâm kích" mà đỉnh cao là tự tử. Bản thân các em chưa nghĩ đến hậu quả sự việc mà đơn thuần chỉ muốn giải thoát mình khỏi bế tắc. Trong việc này, gia đình đóng vai trò quan trọng, đôi khi, vừa là nguyên nhân của sự việc, vừa "tiếp tay" cho hành động này.
"Rất nhiều trường hợp trẻ có ý định tự tử đã gọi điện đến đường dây tư vấn để bày tỏ khát khao "muốn chết" chỉ vì "bố mẹ không hiểu tâm lý con, luôn coi con như con nít", TS Kim Quý nói.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Hiền - Công ty cổ phần tham vấn nghiên cứu và tâm lý học cuộc sống (Share) cũng cho rằng: Ở độ tuổi này, các em có đặc trưng gọi vui là "hai trong một", nghĩa là vừa là con nít, vừa là người lớn và luôn muốn khẳng định mình. Trẻ không thích bị la mắng, nhất là trước mặt bạn bè, bởi lòng tự trọng "cao ngút trời" bị tổn thương, trẻ tìm đến tự tử như là cách để chứng tỏ sự tổn thương mãnh liệt đó.
"Tháng 8 vừa qua, tôi nhận cuộc gọi của một nữ sinh viên tại Hà Nội bày tỏ ý nguyện muốn tự tử vì bế tắc. Lý do vì em tận mắt thấy bố ngoại tình. Em lại không dám nói cho mẹ biết vì mẹ đang mắc bệnh tim. Từ trước đến nay người bố là thần tượng của em, giờ em biết tin ai?", Th.S tâm lý Mã Ngọc Thể (Giám đốc Trung tâm tư vấn Tân Trí Việt) kể lại.
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, trường hợp của nữ sinh viên trên đây thường xuyên xảy ra. Một điểm chung về hoàn cảnh sống của các em có ý định tự tử hoặc thực hiện hành vi tự tử thường là gia đình sống không hòa thuận, không hạnh phúc, bố mẹ ly thân, ly hôn, hay cãi nhau, lục đục. Bởi trong giai đoạn tuổi này, bố mẹ là hình mẫu lý tưởng của đứa trẻ, khi đã thất vọng, trẻ dễ chán chường, suy sụp. Đặc biệt nếu trẻ đem gia đình mình so sánh với gia đình bạn bè, làng xóm, kết hợp với những yếu tố học tập kém, bạn bè tẩy chay, tình yêu không như mong đợi... sẽ dễ dẫn tới ý nghĩ hoặc hành vi tự tử của trẻ.
Khi bố mẹ không nắm bắt được "thông điệp"
Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần 2 năm 2010 (SAVY 2) khi tiến hành với 10.444 vị thành niên, thanh niên từ 14-25 tuổi trên cả nước cho thấy: Có đến 4,1% vị thành niên, thanh niên đã từng có ý nghĩ tự tử. Trong đó, có 25% đã từng tự tử, 73% trầm cảm và 7,5% có những hành động làm đau bản thân. Tỷ lệ này cao hơn gấp đôi so với 5 năm trước.
|
Theo bà Nguyễn Vân Anh - người sáng lập Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP), có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tự tử. Đó có thể là cách duy nhất để thoát khỏi những nỗi đau thể xác hoặc tinh thần không thể chịu đựng. Nhiều người cũng tự tìm đến cái chết khi cảm thấy cuộc sống không có giá trị, ý nghĩa nhưng cũng có thể là một cách để truyền đạt một thông điệp nào đó.
Theo TS Kim Quý, một đứa trẻ trước khi tự tử bao giờ cũng có sự biến đổi bất thường trong suy nghĩ, sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ: Nếu là con gái, cháu sẽ tâm sự với bạn thân hoặc để lại lời nhắn trên blog, Facebook một cách vu vơ (nhưng có chủ đích) ví dụ: Tôi không thích sống, chán sống/ Tôi sắp đi xa/ Tôi sắp rời xa các bạn để sang thế giới tươi đẹp/ Hẹn gặp lại nhé... Nếu cha mẹ, những người xung quanh không quan tâm, để ý thì những biến đổi đó không có giá trị và thất bại. Thậm chí trẻ còn bị coi là "vớ vẩn, ngớ ngẩn" nên càng chủ quan, đó là sai lầm rất lớn.
"Trước khi chết, bản năng sống thường trỗi dậy. Nói nôm na, khi trẻ bế tắc, chúng sẽ lên một kế hoạch chi tiết về con đường đến cái chết nhưng không hoàn toàn là muốn chết thật. Trong quá trình xây dựng, bản năng sống trỗi dậy, trẻ muốn người xung quanh nhận ra rằng đó là một tiếng kêu cứu, một lời cảnh cáo, trẻ muốn gây sự chú ý, quan tâm. Nếu trẻ được can thiệp kịp thời sẽ thoát khỏi kế hoạch tự tử. Nhưng nếu tín hiệu phát đi không được đáp ứng, trẻ càng thất vọng và có lý do hơn để tự kết liễu đời mình. Đấy là lý do vì sao càng trong những gia đình bố mẹ lục đục, mải mê kiếm tiền, không thể nhận ra thông điệp này nên con họ thường tìm đến cái chết" - TS Kim Quý nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét