Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Ly hôn trong giới trẻ gia tăng

Cha mẹ ly hôn sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần và sự phát triển nhân cách của trẻ. Do vậy, vợ chồng cần cân nhắc kỹ trước khi chia tay…
Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, năm 2010, nước ta có gần 88.000 vụ ly hôn, tăng hơn 9.700 vụ so với năm 2009. Trong đó, số cặp vợ chồng trẻ dưới 40 tuổi ly hôn chiếm khoảng 30%. Những con số trên cho thấy, tình trạng ly hôn trong giới trẻ đang ở mức báo động.
Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn gia đình và ly hôn FDC, thuộc Hội Kế hoạch hoá gia đình Việt Nam chia sẻ: “Nhiều thông tin phản ánh cho rằng, tình trạng ly hôn ở TP HCM đang gia tăng là sự thật. Theo công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, tỷ lệ ly hôn/kết hôn ở thành phố là 31,4%. Con số này cho thấy, gần 3 đôi kết hôn thì có một đôi ly hôn. Ly hôn trong gia đình trẻ đang gia tăng, từ 18-30 tuổi là 34,7%, từ 30-dưới 50 là hơn 55%, hơn 50 tuổi là 8,7%. Như vậy, qua tư vấn cho thấy, thực trạng số năm kết hôn ngày càng ngắn lại. Đây là là thực tế mà trung tâm tư vấn nào cũng thấy rất rõ…”.
Hạnh phúc gia đình
Ở những làng quê, nơi ít bị tác động bởi xã hội bên ngoài thì hiện nay, tình trạng ly hôn cũng xảy ra phổ biến. Ông Lương Xuân Lý ở Thái Bình cho biết: “Tôi không hiểu là ngày nay, các cháu tự do yêu đương nhưng tự do kiểu gì mà khi kết hôn ở với nhau chưa lâu đã ngoại tình, thậm chí mới đang trong thời gian tuần trăng mật đã đánh nhau rồi”.
Thực trạng ly hôn trong giới trẻ hiện nay khiến chúng ta băn khoăn, vì sao trong xã hội cũ, vợ chồng kết hôn trên cơ sở “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” lại có một cuộc hôn nhân bền vững hơn thế hệ trẻ bây giờ.
Khi quyết định ly hôn, các cặp vợ chồng trẻ đưa ra rất nhiều lý do như vợ chồng không hợp nhau và ly hôn là con đường giải thoát duy nhất đối với tương lai của mỗi người. Song, thực chất ly hôn có phải là sự giải thoát? Những vấn đề xảy ra sau khi ly hôn không phải tất cả các cặp vợ chồng có thể lường hết được.
Ông Mã Ngọc Thể, Giám đốc trung tâm tư vấn tâm lý Tân Trí Việt cho biết: “Qua những ca tư vấn, chúng tôi thấy phụ nữ chịu nhiều hậu quả hơn, tổn thất nhất là tinh thần như rơi vào trạng thái trầm cảm, thất vọng lớn, nhiều người mất niềm tin vào cuộc sống. Còn đàn ông có sức chịu dựng, chấp nhận tổn thất đó nhưng nhẹ nhàng hơn phụ nữ”.
Tin, bài liên quan:

Theo số liệu điều tra xã hội học ở TP HCM, mỗi năm có hơn 50.000 trẻ em rơi vào hoàn cảnh cha mẹ bỏ nhau và 30% trẻ em lang thang đường phố xuất thân từ hoàn cảnh này. Câu chuyện mà phóng viên VOV đã ghi lại ở trường Giáo dưỡng số 2 tỉnh Ninh Bình là ví dụ điển hình.
“Bố mẹ em bỏ nhau từ khi em còn bé, em ở với bà ngoại. Khi đó em 10 tuổi. Bà ra chợ bán đồ nhựa nuôi 2 đứa em nhỏ, em còn em trai sinh năm 1997 và 1999. Em không được đi học. Em ra ngoài chơi, đua đòi bạn bè, trộm cắp xe đạp ở ngoài đường, bị bắt thì mấy chú công an đưa vào đây”.
Trường hợp em Nhi ở quận Lê Trân, thành phố Hải Phòng chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện trẻ em phạm pháp do sinh ra và lớn trong một gia đình không trọn vẹn. Tại nhiều phiên toà xét xử trẻ vị thành niên phạm tội, không ít ông bố, bà mẹ rơi nước mắt chua xót khi chính cuộc chia tay của họ dẫn tới con đường sa ngã của con cái. Vì vậy, theo các chuyên gia tâm lý, vấn đề văn hóa ứng xử của các cặp vợ chồng trong giai đoạn tiền ly hôn rất quan trọng.
Bà Lê Thị Túy, Trung tâm tư vấn kỹ năng và cuộc sống cho biết: “Giai đoạn tiền ly hôn rất nguy hiểm, vợ chồng nói xấu về nhau, thậm chí có người sử dụng con vào việc dò la về vợ hay chồng, có người còn cố kéo con về phía mình. Việc làm này dễ làm hư các con. Trẻ mất lòng tin vào cuộc sống vì trong lòng nó không tin bố mẹ đã từng yêu thương thì tại sao bây giờ nói xấu nhau. Theo ý kiến của tôi, để không ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, trong giai đoạn tiền ly hôn, vợ chồng phải biết kiềm chế, phải xin lỗi con vì họ đã không khắc phục được mâu thuẫn đó”.
Dù có cố gắng bù đắp thì sự chia tay của bố mẹ cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần và sự phát triển nhân cách của trẻ. Vì vậy, cha mẹ hãy nghĩ đến những điều đó trước khi quyết định bất cứ một điều gì liên quan đến cuộc sống gia đình./.

Mai Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét