Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Sốc nặng, trầm cảm vì bị sếp bôi xấu

Những nhân viên bị sếp bôi xấu, gây khó, dễ bị chấn thương tâm lý, có thể đi tới những phản ứng quyết liệt thậm chí tiêu cực gây tổn hại cho bản thân và chính người sếp đó.

Chị Bùi Thị Hoa, biên tập viên trang tin của một công ty truyền thông ở Hà Nội chia sẻ: "Sau khi tôi nghỉ việc ở công ty cũ, chờ nửa năm mà công ty không chịu giải quyết bảo hiểm và các chế độ liên quan, thậm chí có giữ lại 2 tháng thu nhập của tôi không chịu trả. Tôi nhiều lần làm đơn đề nghị họ giải quyết nhưng không được...

Sau vì muốn nhanh chóng rút được sổ bảo hiểm để nộp vào cơ quan mới tôi đã nhờ sự giúp đỡ của bạn bên bảo hiểm tác động. Ngay sau đó ông sếp cũ đã nhiều lần gọi điện nói xấu tôi, kể tội tôi với nhiều lời bịa đặt cho sếp cơ quan mới bây giờ. Ông ta còn khuyên sếp mới đừng nhận tôi vào làm việc... Không những thế ở cơ quan cũ còn đồn đại đủ lời xấu xa về tôi, người ta còn nói tôi ve vãn sếp không được nên phải nghỉ việc... Thực sự rất sốc".

  Nhân viên cũ dễ tổn thương tâm lý khi bị sếp cũ bôi xấu công khai


Chị Hoa đã lâm vào trạng thái suy sụp, không tin tưởng bất kỳ ai trong một thời gian dài, lơ là chăm sóc gia đình, lúc nào cũng trong tâm trạng buồn bã.

Chia sẻ vấn đề này, nhiều người lao động cho rằng họ cảm thấy rất sốc khi bị sếp hoặc đồng nghiệp nói xấu, gây khó dễ thậm chí tìm cách chặn mọi đường để có công việc mới sau khi nghỉ việc tại cơ quan cũ... Và cảm giác này rất khó vượt qua.

Mới đây, Tòa án Nhật vừa yêu cầu chính phủ bồi thường cho gia đình một người đàn ông tự tử vì bị sếp lăng nhục nhiều tháng liền.

Người tự tử là một nhân viên kinh doanh thuộc hãng dược phẩm Nikken. Trong lá thư tuyệt mệnh, người đàn ông khi đó 35 tuổi cho biết anh bị sếp lăng nhục suốt nhiều tháng liền bằng những lời lẽ như: "Anh là sự khó chịu cho tất cả mọi người", "Tôi không tưởng tượng được lại có người chịu lấy anh làm chồng" hay "Biến đi".

Vị sếp này cũng bị cho là hạ nhục nhân viên của mình tại bữa tiệc cuối năm của công ty khi tuyên bố: "Anh thật là dơ dáy và cái lưng đầy gàu. Anh có chắc là anh không bệnh không?".

Người đàn ông này rơi vào tình trạng trầm cảm nặng và treo cổ tự vẫn hồi tháng 3/2003.


 Chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể
Chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể cho biết, khi người lao động bị sếp cũ bôi xấu, gây khó khăn trong công việc mới…  thì những người lao động đó rất dễ bị những tổn thương, chấn thương tâm lý, thậm chí lo sợ, trầm cảm.

"Có những người khi rơi vào tình cảnh như vậy kết hợp với những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, bệnh tật của con cái có thể đẩy người ta đi tới những phản ứng quyết liệt thậm chí tiêu cực, bi quan như tìm cách gây tổn hại cho bản thân, sếp cũ và cơ quan cũ", chuyên gia Mã Ngọc Thể nói.

Anh Thể phân tích thêm theo tâm lý thông thường, người lao động sẽ cảm thấy bị "sốc" và có cảm giác không được tôn trọng, sẽ bất mãn với những ứng xử của lãnh đạo và cơ quan cũ, nhất là trong trường hợp người lao động là người đúng. Họ sẽ mất niềm tin vào lãnh đạo doanh nghiệp, vào chế độ đãi ngộ của công ty. Khi quyền lợi của người lao động không được đảm bảo thì họ đấu tranh đến cùng để dành được quyền lợi. .
"Còn về phía ông lãnh đạo đơn vị nào mà có hành vi bôi xấu, gây khó nhân viên cũ thì dù đúng hay sai thì cách hành xử như vậy đi ngược lại nghệ thuật thu phục nhân tâm của một người lãnh đạo, thậm chí là lãnh đạo cao cấp", chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể nhận định.

Theo lời anh Thể, việc gây áp lực, cản trở nhân viên chỉ tạo ra hố ngăn cách giữa người quản lý với người lao động. Bên cạnh đó, tạo ra tâm lý hoang mang, nghi ngờ và sự thiếu thiện cảm của những người lao động khác đối với lãnh đạo ở công ty.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét