Thời gian vừa qua, rất nhiều các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc người đẹp Phạm Thị Thùy Linh vi phạm quy chế khi phẫu thuật thẩm mỹ mũi. Điều này đã được BTC cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 quyết định rút danh hiệu Người đẹp Áo dài của Phạm Thị Thùy Linh và cô đã ký biên bản xác nhận cô từng chỉnh sửa mũi.
Tuy nhiên, lý do mà cô đưa ra để thanh minh cho việc phẫu thuật mũi là do tai nạn và đã cách đây đã 5 năm. Nhưng người đẹp này cũng bày tỏ qua các bài báo rằng việc phẫu thuật đó cô không biết và nó không phải là phẫu thuật thẩm mỹ cho nên cô vẫn đăng ký dự thi hoa hậu.
Dạo qua diễn đàn của các website chúng ta thấy, các thành viên của nhiều diễn đàn trao đổi ý kiến về sự việc trên của người đẹp Phạm Thị Thùy Linh và đa phần ý kiến cho rằng quy chế hiện nay của ta là “quá chặt” và đặt ra câu hỏi có nên cấm tuyệt đối phẫu thuật thẩm mỹ trong các cuộc thi hoa hậu?
Bạn anyones trên VnExpress.net cho rằng: “Hoa hậu là một cuộc thi để tìm kiếm và tôn vinh sắc đẹp, vì thế, tước đi danh hiệu của một con người có những tiêu chí hoàn toàn phù hợp với phương châm của cuộc thi Hoa hậu là một điều phi lý. Không thể viện lý do rằng sự can thiệp của dao kéo tạo ra một nhan sắc giả tạo, mà không công nhận bởi một lý do rất đơn giản: Hoa hậu là cuộc thi để tìm kiếm sắc đẹp".
Bạn Anh Ba trong diễn đàn Yahoo có ý kiến: “Không nên cấm vì theo tôi có vô số người sinh ra không phải ai cũng muốn mình không đẹp , và họ đều ước mơ được trở thành người mẫu, hoa hậu. .. nhưng ngặt cái là khuôn mặt không được như ý hoặc khuyết điểm một vài vị trí nào đó, nên họ sẽ phải dùng đến dao kéo cho hoàn chỉnh để rồi đạt được mơ ước, đó cũng là cái hay!
Hoặc Pham Tuan Thanh chia sẻ: “Không nên cấm vì nét đẹp tự nhiên là đẹp, mà nét đẹp dao kéo cũng là đẹp. Những người nhờ đến thẩm mỹ họ cũng chỉ muốn mình đẹp hơn trong mắt mọi người, vậy thì đâu có gì sai”.
Bạn Sinh diễn đàn Yahoo cho rằng: “Phẫu thuật thẩm mỹ là tự do của mỗi người nhất là đối với phụ nữ. Nếu có nhiều người phụ nữ đẹp sẽ làm xã hội đẹp thêm. Thi Hoa hậu là 1 cuộc chơi, mỗi cuộc chơi đều có luật lệ riêng của nó ai vi phạm tất nhiên sẽ phải rời cuộc chơi. Nhưng cũng không nên cứng nhắc quá như trường hợp thí sinh Phạm Thị Thùy Linh, cô đã giải phẫu mũi do tai nạn gãy sống mũi năm 16 tuổi. Phải giải phẫu để điều trị là tất nhiên thôi, theo tôi trước khi quyết cho em chấm dứt cuộc thi, ban tổ chức và những người có trách nhiệm nên xem xét mũi của Thùy Linh có giải phẫu đưa các vật nhân tạo để nâng cao sống mũi hay chỉ là điều trị gãy sống mũi”.
Quay trở lại với việc bị loại của Phạm Thị Thùy Linh cho thấy có thể là do cô chưa nắm rõ quy chế thi, cho nên cô không hỏi kỹ cha mẹ về việc mình có bị phẫu thuật bao giờ không? Nếu cô biết được chắc cô đã dừng ngay từ khi đăng ký dự thi…Bên cạnh đó bản quy chế không có quy định rõ ràng đối với từng hành vi phẫu thuật thẩm mỹ chủ quan và hành vi phẫu thuật khách quan do đó thí sinh hiểu lầm và thực hiện sai quy chế.
Hành vi phẫu thuật mang tính chủ quan xuất phát từ ý định của bản thân chủ thể đó mong muốn thay đổi diện mạo, hướng đến tạo cho mình một vẻ đẹp hoàn thiện. Hành vi này mang tính động cơ rõ ràng, có chủ ý lâu dài, tần xuất thực hiện phẫu thuật nhiều lần với quyết tâm tìm mọi cách mọi hình thức như tiền bạc, thời gian, công sức, mối quan hệ để phục vụ cho việc làm đẹp.
Hành vi phẫu thuật mang tính khách quan là việc bắt buộc chủ thể phải phẫu thuật do hậu quả của những nguyên nhân bên ngoài như tai nạn lao động, giao thông, bị bạo hành thể xác…để chỉnh sửa cơ thể ít nhất trở về với nguyên trạng ban đầu. Hành vi này của chủ thể mang tính chất thụ động và thực hiện trong điều kiện bắt buộc phải tiến hành phẫu thuật để đem lại tâm lý tự tin, không rơi vào mặc cảm với những tổn thương do tác nhân khác gây ra, phải phẫu thuật trong những hoàn cảnh khó khăn về mặt kinh tế không mong muốn.
Rõ ràng, sự phân biệt giữa các phẫu thuật thẩm mỹ có khác nhau. Nó có nguyên nhân và động cơ khác nhau. Cho nên, BTC các cuộc thi về sắc đẹp cần phải có những tiêu chí hoặc quy định đối với người có phẫu thuật thẩm mỹ thì không được xét vào các danh hiệu có gương mặt khả ái, làn da đẹp hay thân hình đẹp nhất…. quy định những phẫu thuật nào thì vẫn được chấp nhận, quy định về thời gian phẫu thuật tính đến thời điểm dự thi. VD: những phẫu thuật thẩm mỹ cách thời điểm dự thi từ 7 đến 10 năm thì vẫn được phép dự thi, phẫu thuật chỉnh sửa ngoài ý muốn như do bị tai nạn giao thông, lao động, bị hành mà có sự xác nhận của cơ sở y tế… đó là những cách để kiểm chứng sự trung thực của mối thí sinh, một phẩm chất rất quan trong ở mỗi người đẹp. Và cũng tránh cho thí sinh bị tổn thương tâm lý sau những gì đã xảy ra. Vì xét cho cùng cuộc thi sắc đẹp không chỉ là thi về vẻ đẹp bên ngoài (dung mạo, nhan sắc) mà còn có phần đẹp quan trọng nhất đó là tâm hồn, nhân cách của mỗi thí sinh và các điều kiện khác nữa.
Những ý kiến trên cũng cho thấy chúng ta cần mở rộng hơn nữa quy chế đối với các cuộc thi sắc đẹp ở trong nước để hội nhập với thế giới như ở đất nước của các hoa hậu thế giới Venezuela việc phẫu thuật thẫm mỹ là một chuyện hoàn toàn được chấp nhận trong các cuộc thi hoa hậu… hoặc trường hợp của Jo Su Jin (Hàn Quốc) nhiều lần đăng ký tham gia thi sắc đẹp nhưng bị từ chối nên đã nhờ đến dao kéo sửa sang. Sau đó, cô giành giải Người đẹp ứng xử trong cuộc thi Miss Korea 2009.
Mã Ngọc Thể
Theo vnexpress.net
http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/2010/08/3ba1f7e1/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét